Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn bàn về gói kích cầu qua lãi suất của Việt Nam cùng những biện pháp kèm theo cần thiết để có thể vừa kích thích nền kinh tế, vừa ngăn lạm phát tái phát






Giải pháp ít xấu hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ có quyết định hỗ trợ chi phí lãi suất cho Doanh Nghiệp. Trong các chương trình kích cầu trước đây, đã có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư trong nước vào các lĩnh vực đầu tư mà Nhà nước khuyến khích. Chính phủ cũng có thiết lập các định chế chuyên trách là các quỹ hỗ trợ phát triển đầu tư để thực hiện chính sách này.

Có thể nói, Chính phủ đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư và tiêu dùng khi nền kinh tế Việt Nam, chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, đã lâm vào tình trạng suy thoái trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mà Chính phủ công bố dành riêng một ngân khoản 17 ngàn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) dành cho việc kích cầu. Việc thiết lập một ngân khoản từ ngân sách quốc gia đặt ra vấn đề sử dụng hợp lý gói kích cầu này vào những ngành nào có hiệu quả nhất trong nỗ lực của Chính phủ ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tình trạng sử dụng nhân lực và một nhịp độ tăng trưởng dương.

Không ít các chuyên gia kinh tế, các nhóm nghiên cứu kinh tế đã nghiên cứu vấn đề này và đã đề xuất nhiều kiến nghị khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên kích cầu vào khu vực nông nghiệp vì 70% dân số tập trung tại khu vực này. Cũng có ý kiến cho rằng nên kích cầu bằng cách đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và hệ thống y tế, giáo dục hoặc trợ cấp thất nghiệp…

Vì tính chất khẩn cấp của vấn đề và cũng vì quy mô của gói kích cầu 1 tỷ USD không phải là lớn, nên nếu mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu và xác định hướng sử dụng hiệu quả nhất sẽ không phải là một sự chọn lựa khôn ngoan để đối phó với tình hình suy thoái kinh tế hiện nay, hệ quả không tránh khỏi của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, một cuộc khủng hoảng mà quy mô, cường độ và tác động của nó lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 1997.
Trong điều kiện đó, Chính phủ đã nhanh chóng chọn lựa  giải pháp sử dụng 1 tỷ USD để hỗ trợ lãi suất cho các Doanh Nghiệp, một giải pháp vừa thể hiện chức năng điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Nhà nước vừa kết hợp với quyết định của Doanh Nghiệp trong việc đi vay, một quyết định có thể hiểu là dựa trên cơ chế thi trường.

Các Doanh Nghiệp toàn quyền quyết định vay để làm gì mà họ thấy có hiệu quả nhất cho họ (cũng có lợi cho nền kinh tế), Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay nằm trong danh mục được hỗ trợ (hoặc nằm ngoài danh mục không được hỗ trợ) trong ý nghĩa là giúp cho các Doanh Nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính của họ với mục tiêu khuyến khích họ tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.

Việc sử dụng 17 ngàn tỷ động hỗ trợ lãi suất (4%)  nhằm tác động đến một khối lượng tín dụng, theo một phép tính đơn giản ,có thể lên đến trên 600 ngàn tỷ đồng, như lời một quan chức Ngân hàng nhà nước. Nếu kết quả đạt được như thế thì  đây có thể được coi là giải pháp có tính đòn bẩy cao.

Tuy nhiên, thực tế có thể không đơn giản như dự kiến. Nhiều Doanh nghiệp cho rằng việc bù lãi suất giúp cho
 Doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính là một tin vui đầu năm cho các Doanh nghiệp còn đang gồng mình vượt qua suy thoái, tuy nhiên chỉ giảm bớt chi phí lãi suất không thôi cũng chưa đủ, vì yếu tố thị trường còn quan trọng hơn yếu tố chi phí. Nếu Doanh nghiệp đi vay để sản xuất mà hàng sản xuất ra không bán được thì dù có vay với giá rẻ, Doanh nghiệp cũng không vay để làm gì.

Có thể phải chờ đến cuối năm 2009 mới đánh giá được hiệu quả kích thích kinh tế của gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất.Trên thực tế, một giải pháp kinh tế vĩ mô nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm của nó, các nhà lý luận kinh tế thường hay ví von rằng thậm chí trong nhiều trường hợp chúng ta không thể chọn lựa cái tốt nhất mà bắt buộc phải chọn lựa cái ít xấu hơn. 
 

Phát huy người vay ở giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, đứng về mặt kỹ thuật, một giải pháp hỗ trợ lãi suất (tức áp dụng một mức lãi suất tín dụng thấp cho các 
Doanh nghiệp) liệu có cần thiết sử dụng một nguồn kinh phí từ ngân sách để bù đắp hay không, hay chỉ cần phát huy chức năng của Ngân hàng Nhà nước với vai trò người cho vay ở giai đọan cuối và một chính sách lãi suất thấp mang tính chất kích thích kinh tế một cách có định hướng?

Nói cách khác, liệu có phải áp dụng lãi suất tái chiết khấu hoặc ứng vốn thấp với nhiều mức khác nhau và với hạn mức cho vay lại khác nhau cho các khoản tín dụng được khuyến khích với cấp độ khác nhau?

Trong vai trò người cho vay ở giai đoạn cuối, và áp dụng một chính sách tín dụng có định hướng nhằm khuyến khích việc tài trợ các lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần khuyến khích, Ngân hàng nhà nước có thể cho các ngân hàng thương mại vay lại trên cơ sở thế chấp họặc tái chiết khấu các hồ sơ tín dụng của các ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi, một mức lãi suất rất thấp và trong nhiều trường hợp có thể bằng không. 

Khi Ngân hàng nhà nước đã bật tín hiệu đèn xanh cho các khoản vay này, các ngân hàng thương mại sẽ áp dụng một mức lãi suất ưu đãi cho các 
Doanh nghiệp vay. Chẳng hạn, nếu khuyến khích tài trợ xuất khẩu, tất cả các khoản tín dụng xuất khẩu của ngân hàng thương mại đều có thể được vay lại Ngân hàng nhà nước đến 100% hạn mức dư nợ với lãi suất mà Ngân hàng nhà nước áp dụng, thí dụ chỉ có 1%/năm, và như vậy các ngân hàng thương mại có thể cho các nhà xuất khẩu Việt Nam vay với mức 2%/năm, một mức lãi suất khả dĩ cạnh tranh được so với các nước khác trong khu vực.

Biện pháp giảm chi phí lãi suất được thực hiện theo phương thức phát huy vai trò người cho vay ở giai đọan cuối của Ngân hàng nhà nước sẽ dễ điều hành hơn, dễ kiểm soát hơn và đơn giản hơn. Phương thức này không cần đến việc sử dụng gói kích cầu 17 ngàn tỷ đồng.

Ngân hàng nhà nước, với chức năng tạo ra tiền không cần được bù lỗ, còn các ngân hàng thương mại được sử dụng nguồn vốn lãi suất thấp của Ngân hàng nhà nước để cho các 
Doanh nghiệp vay lại với lãi suất thấp thì cũng không cần được bù lỗ.Phương thức này cũng không tạo ra lạm phát trong tương lai vì các khoản vay này chỉ là tín dụng ngắn hạn sẽ được thu hồi về trong năm 2009 và đầu năm 2010.

Ngân khoản 17 ngàn tỷ đồng của Chính phủ tuy không quá lớn nhưng đó là nguồn vốn ngân sách, nên được dành cho những chương trình kích cầu đầu tư trực tiếp của Chính phủ có lợi cho quốc kế dân sinh và tạo ra công ăn việc làm mới, hoặc dành cho những khoản ứng cứu cấp thiết hơn. 

Cân đối vĩ mô bền vững.

 

Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích kinh tế đã chỉ rõ, vấn đề suy thoái kinh tế không thể được giải quyết chỉ bằng một giải pháp đơn nhất là kích cầu. Chúng ta thấy rằng giải pháp kích cầu bằng hỗ trợ chi phí lãi suất chủ yếu nhằm mục tiêu duy trì tình trạng hiện có, mức sản xuất kinh doanh hiện có và mức nhân dụng hiện có. Đó có thể xem là một mục tiêu thực tế vì trong tình hình suy thoái, duy trì được hiện trạng đã là quá tốt.

Cũng có một thực tế khác: không ít 
Doanh nghiệp, nhất là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, thậm chí không còn tồn tại được do nhiều nguyên nhân, không phải chỉ do nguyên nhân chi phí tài chính cao (trong đó quan trọng nhất là lãi suất và thuế suất). Do đó, giải pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế buộc phải hướng vào việc tạo ra những Doanh nghiệp mới.

Đó sẽ là những Doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn, được quản lý tốt hơn với những con người năng động hơn nhằm thay thế những Doanh nghiệp không thể tồn tại, những Doanh nghiệp đã phải bước ra khỏi cuộc chơi không phải chỉ vì áp lực của cuộc khủng hoảng toàn cầu, không phải chỉ vì áp lực của tiến trình hội nhập kinh tế mà còn vì khả năng quản lý kém cỏi, thiếu thốn nguồn nhân lực.

Chúng ta cần có những Doanh nghiệp mới, doanh nhân mới, các khoản đầu tư mới, để thu hút số lao động đã mất việc và tạo ra công ăn việc làm mới cho những người cần việc làm.

Chính trong thời điểm hiện nay, những nỗ lực của Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải cách hệ thống pháp lý, cải tổ hệ thống ngân hàng, giảm thuế, giảm nhập siêu tiến tới thặng dư ngoại thương và hướng tới mục tiêu quân bình ngân sách là hết sức cần thiết nhằm tạo nên nền móng vững chắc cho phát triển.
Kích cầu chỉ là một giải pháp tình thế trước mắt, điều quan trọng hơn là xây dựng những cân đối vĩ mô bền vững hướng về tương lai lâu dài của phát triển kinh tế.


CHƯƠNG 2 PHẦN 2. CÁC TỔN THẤT LIÊN QUAN ĐẾN THIẾT BỊ CHƯƠNG 2 PHẦN 2. CÁC TỔN THẤT LIÊN QUAN ĐẾN THIẾT BỊ

1.   Thiết bị lỗi hoặc hỏng hóc. Yếu tố đầu tiên trong “ Sáu tổn thất lớn” cần phải loại trừ là thiết bị...

CHƯƠNG 2 PHẦN 3 HIỆU SUẤT THIẾT BỊ TOÀN PHẦN (OEE). CHƯƠNG 2 PHẦN 3 HIỆU SUẤT THIẾT BỊ TOÀN PHẦN (OEE).

1.   OEE là gì? OEE là một chỉ số đo lường được sử dụng trong TPM để chỉ ra mức độ hoạt động hiệu quả...

ĐỘT PHÁ TRONG KINH DOANH – CHỈ CẦN MỘT LẦN DẤN BƯỚC (P2) ĐỘT PHÁ TRONG KINH DOANH – CHỈ CẦN MỘT LẦN DẤN BƯỚC (P2)

Thay đổi tư duy sẽ tạo ra đột phá Yếu tố mang tính cách mạng trong dự án này chính là ở chỗ: Thứ nhất, ý...

VƯỢT QUA HAI THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ KHỦNG HOẢNG VƯỢT QUA HAI THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ KHỦNG HOẢNG

Rất nhiều công ty hiện nay đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc hoạch định kinh doanh liên tục, nhưng...