Bối cảnh kinh tế ngặt nghèo ngày nay đang dấy lên một cuộc tranh luận thú vị: muốn đột phá trong kỷ nguyên Web 2.0, các doanh nghiệp nên ưu tiên lợi nhuận hay tăng số người sử dụng?
Thực ra đó chỉ là một câu hỏi mẹo!
Việc các công ty cần thực sự tập trung vào chính là: học hỏi – việc đó sẽ giúp họ đạt được một mô hình kinh doanh ổn định và có tiềm năng mở rộng về quy mô.
Học từ bài học kinh doanh của các mạng xã hội.
Một số bài báo gần đây đã nhấn mạnh các cách tiếp cận khác nhau mà những lãnh đạo trong kỷ nguyên Web 2.0 đã áp dụng. Bài thứ nhất đăng cách đây không lâu trên tuần báo Business Week, tập trung nói về các mạng xã hội. Trong đó, tác giả miêu tả Facebook đã cắt giảm mục tiêu lợi nhuận của mình ra sao để tập trung vào mục tiêu tăng số lượng người sử dụng. Một thành viên ban quản trị cho biết: “Nếu số người sử dụng ngừng tăng lên, chúng tôi vẫn có thể kiếm được tiền, nhưng điều đó không có nghĩa lý gì nếu không có sự tăng trưởng”.
Trong khi đó, kì phùng địch thủ của Facebook là MySpace – thuộc sở hữu của Tập đoàn News Corp – lại đang thực hiện chiến lược tập trung vào mục tiêu lợi nhuận. Nhìn chung, MySpace có quy mô người dùng nhỏ hơn so với Facebook (và vị trí dẫn đầu của Facebook vẫn đang không ngừng mở rộng), nhưng sự hiện diện của MySpace ở nước ngoài lại mạnh hơn và doanh thu thì gần gấp đôi so với Facebook.
Bài báo thứ hai là trên tờ New York Times. Bài này nói về một mô hình đang nổi lên được gọi là Micro-blogging, ở đó người dùng có thể liên tục cập nhật và gửi các tin nhắn ngắn tới bạn bè, gia đình, hay bất kì ai họ quen biết. Twitter chính là cái tên tiên phong trong lĩnh vực này. Người sử dụng dịch vụ này được phép phát đi cùng một lúc tới nhiều người những tin nhắn không quá 140 kí tự. Hiện nay, Twitter đã có đến 3 triệu người dùng, nhưng công ty này vẫn thiếu một mô hình kinh doanh rõ ràng
.
CEO của Twitter tâm sự với New York Times: “Nếu ngay từ đầu chúng tôi chỉ lo kiếm tiền, nghĩa là chúng tôi sẽ chẳng có thời gian làm những việc cần làm để đem đến cho người dùng một sản phẩm ngày càng cải tiến”.
Cùng khai thác lĩnh vực này nhưng đối thủ của Twitter là Yammer chỉ có vẻn vẹn 60.000 người dùng. Nhưng công ty này lại có một mô hình doanh thu hết sức rõ nét. Yammer dự định thu phí các doanh nghiệp – những người muốn sử dụng dịch vụ micro-blogging để truyền đạt thông tin nội bộ hoặc cộng tác làm việc hiệu quả hơn. Chỉ với 1 USD mỗi tháng cho mỗi tài khoản đăng ký hợp pháp, các công ty không chỉ được bảo mật cao hơn, mà còn có thể kiểm soát việc nhân viên của mình sử dụng hệ thống ra sao.
Đột phá ngay từ mô hình kinh doanh.
Những hướng dẫn trong chương 9 cuốn “The Innovator’s Solution” của Clay Christensen (tạm dịch “Giải pháp của nhà sáng chế”) – bao gồm kiên trì vì tăng trưởng, nhẫn nại vì lợi nhuận, cho thấy tác giả tán thành cách làm của Yammer và MySpace. Tuy nhiên, cũng có một sắc thái quan trọng khác trong những hưỡng dẫn đó: đôi khi, một công ty có thể đi theo một lộ trình nhất định để có lợi nhuận nhanh chóng, nhưng thực tế việc đó đang làm giảm tiềm năng dài hạn của chính công ty đó.
Hãy nhớ rằng, kinh doanh muốn đột phá đòi hỏi những mô hình doanh nghiệp rất khác biệt. Một cú huých mong sớm thu lợi nhuận có thể dẫn công ty tới tình thế mắc kẹt vào một mô hình quen thuộc: chỉ có những kết quả trước mắt mà thiếu những thử nghiệm mạo hiểm để tạo ra những giá trị lâu dài.
Ví dụ, hãy cùng xem xét việc báo chí tiếp cận Internet. Khi các báo giấy lần đầu tiên xuất bản trực tuyến, một phương cách kiếm lợi nhuận dễ dàng mở ra trước mắt họ: “chào mời” các đối tác quảng cáo trên báo giấy chuyển sang quảng cáo trực tuyến trên trang web. Thâm chí, một vài tờ báo đã “ép” việc này bằng cách nhận quảng cáo trên báo giấy nhưng lại đẩy sang phần trực tuyến – mặc dù có đối tác chẳng hứng thú gì với quảng cáo trực tuyến!
Tiền kiếm được tương đối dễ dàng đã khiến người ta quên mất một thực tế là giá trị đích thực trên thế giới ảo nằm ở việc thu hút các đối tác quảng cáo mới cũng như nắm bắt các mô hình tiên tiến, chẳng hạn như việc tìm kiếm mất phí.
Phải chăng MySpace đang rơi vào cái bẫy tương tự? Công ty này đã xây dựng được một nền tảng doanh thu lớn hơn (và giả định là lợi nhuận cũng lớn hơn) bằng cách gắn chặt với mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty mẹ. Mặc dù hướng tới những đối tác quảng cáo nhỏ hơn so với các công ty truyền thông truyền thống, MySpace vẫn theo mô hình truyền thông truyền thống trong việc xây dựng mạng lưới công chúng để đáp ứng nhu cầu của các đối tác quảng cáo.
Còn Facebook lại chủ động thử nghiệm các mô hình khác nhau. Nhưng phải thừa nhận rằng một số cách tiếp cận trong số đó – ví dụ các mẩu quảng cáo gắn với hoạt động mua bán trên các website – đã bị chỉ trích không ít. Có lẽ mô hình kinh doanh mang ít nhiều tính truyền thống của MySpace là sự lựa chọn đúng đắn cho các mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu không phải thì việc Facebook chú trọng thử nghiệm những mô hình mới vẫn sẽ mang lại hiệu quả trong tương lai.
Mục tiêu theo đuổi lợi nhuận của Yammer có lẽ ít rắc rối hơn một chút, bởi họ dường như đang đi theo một mô hình hoàn toàn khác để thích hợp với bản chất độc nhất vô nhị của xu thế micro-blogging, và có thể tạo dựng một vị thế tương đối vững chắc để từ đó mở rộng quy mô kinh doanh.
Còn Twitter sau sáu tháng hoạt động dường như vẫn quên mất việc phải phát triển một mô hình kinh doanh. Vấn đề không phải ở chỗ họ chưa có một mô hình vững chắc, mà là việc Twitter chẳng hề bận tâm tới việc thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau. Tất nhiên, cách thức hoạt động hiện nay của công ty này có thể chỉ là để thu hút sự chú ý của một đối tượng lớn chấp nhận sáp nhập dịch vụ của họ vào những dịch vụ sẵn có khác.
Lý do khiến Christensen ngay từ đầu nhấn mạnh đến lợi nhuận là bởi, lợi nhuận chính là minh chứng rõ ràng rằng doanh nghiệp có một mô hình kinh doanh vững chắc. Các công ty vẫn đang đi theo một mô hình có vẻ thành công thì phải chắc chắn rằng mô hình đó vẫn đang hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, khi chưa xác định được mô hình kinh doanh mà vẫn ưu tiên lợi nhuận thay vì học hỏi, thì các doanh nghiệp sẽ mắc một sai lầm chiến lược.
Với mô hình đóng góp cộng đồng, đã có rất nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới đạt được những thành tựu đáng...
Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong thời kỳ khó khăn như hiện nay, đổi mới là việc hiển nhiên....
Nguyên nhân làm suy thoái hoạt động QC có thể đưa ra như sau:
TPM đã chỉ ra được “ Sáu tổn thất lớn” mà các thiết bị dùng trong sản xuất thường mắc phải, đó là: Thiết bị,...
Thực hiện thành công TPM là một thử thách khó đối với mọi tổ chức, nó đòi hỏi sự cam kết thực sự...